Vào vấn đề chính nè.
PHẦN I: CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ
Phần cứng:
Ở đây mình tận dụng lại một con Emachine của Acer EL1600. Với cấu hình như sau:
CPU: Atom 230 1.6Ghz
Ram: DDR2 1Gb 800Mhz
HDD: WD Green 2TB x2
Một số dụng cụ cần thiết khác:
USB: 8GB (Tối thiểu là 2Gb để lưu NAS OS)
Quạt 12cm để tăng độ tải nhiệt cho máy, vì thùng máy khá nhỏ, mình lại gắn 2 ổ cứng nữa cho nên phải dùng thêm quạt.
Lưu ý:
1. Card mạng Onboard của máy này tốc độ chỉ có 100Mbps thôi nên khi chép file giữa các máy tính trong mạng LAN sẽ hơi chậm (mình sẽ test để cho các bạn thấy rõ hơn). Dự định sẽ kiếm một cái card mạng 1Gbps gắn thêm vào khe PCI (loại card lùn vì case này khá nhỏ) hiện tại chưa tìm mua được nên để tính sau vậy.
2. Máy này chỉ có 1 khe RAM và có thể nâng RAM lên được tối đa 4Gb, nếu bạn có nhu cầu dùng NAS này để lưu trữ CCTV camera thì nên lưu ý. Ở đây mình chỉ dùng để lưu dữ liệu, tải torrent, sử dụng giao thức ftp đơn giản nên cũng không cần nhiều RAM.
Dưới đây là hình ảnh về em nó:
Phần mềm:
Các bạn tải tất cả các phần mềm cần thiết tại đây nhé:
Win32 DiskImager.
Synology Assistant (Tải phiên bản phù hợp với máy của bạn nhé)
NanoBoot 5.0.4.1
DiskStation Manager 5.0
hoặc dowload full link tại đây
PHẦN II:
Bắt tay xây dựng phần cứng nào: (Giờ mình đi lắp phần cứng đây, làm xong mình sẽ chụp hình cho các bạn tham khảo) (sẽ cập nhật bài viết trong phần tiếp theo)
Cập nhật bài viết:
Sau khi độ chế, lắp ghép tất cả các thứ lại với nhau. Cái này cũng đơn giản, chỉ cần bố trí các linh kiện cho phù hợp chút xíu là ổn. (Cái này chủ yếu để khoe khoang xí đỉnh nên mình sẽ không đi sâu vào phần này.
Lắp đặt ổ cứng vào khay.
Độ thêm quạt, hoàn thiện sản phẩm.
Ở đây mình dùng thêm 1 cái usb wifi tốc độ 150Mbps để kết nối không dây, dành cho các bạn muốn kết nối không dây cho khỏi lằng nhằng. Tuy nhiên mình vẫn thích dùng dây mạng hơn, để đàm bảo được tốc độ cho ổn định.
Sau khi lắp đặt hết các phần cần thiết các bạn kết nối bàn phím, màn hình, dây mạng, khởi động máy, thiết lập các thông số cần thiết trong BIOS để NAS chạy tối ưu nhất.
PHẦN III:
1. Thiết lập BIOS
Thiết lập cho NAS khởi động từ USB. Cái này là trên máy của mình, có thể sẽ khác với các dòng máy khác, tuy nhiên, các bạn cứ làm tương tự là được.
Thiết lập cho NAS tự khởi động nếu bị mất điện. Trong BIOS tùy chọn này cho phép NAS tự động mở lên nếu bị mất điện đột ngột. Tùy chọn này dành cho các bạn muốn NAS chạy 24/24.
Thiết lập Khởi động NAS từ xa:
Nếu NAS của bạn để ở tầng 7, máy tính làm việc của bạn để ở tầng trệt. Mà bạn lại không muốn NAS hoạt động liên tục để tiết kiệm điện và để tăng tuổi thọ của máy tính. Chả lẽ mỗi lần bạn muốn bật NAS lên lại phải chạy lên tầng 7 để mở, rồi xuống tầng 1 làm việc. Ngày bạn làm chục lần là nhớ vác theo bình Ôxy để thở nhá . Rất may là máy mình có tính năng Wake Up On LAN (WOL), máy bạn nào có tính năng này thì nên bật.
2. Tiến Hành cài đặt phần mềm nào.
Cài đặt các phần mềm bạn đã tải ở trên. Phần cài đặt như thế nào thì mình sẽ bỏ qua, vì cái này quá đơn giản.
Win32 DiskImager.
Synology Assistant
DiskStation Manager 5.0
Burn file NanoBoot-5.0.4.1-fat.img vào USB bằng phần mềm Win32 DiskImager.
Sau khi hoàn tất, cắm USB vo NAS và khởi động thôi nào. Nhớ thiết lập khởi động từ USB như các bước mình hướng dẫn ở trên. Và đây sau khi hoàn tất khởi động:
Như trên là đã boot thành công rồi đấy.
Cài đăt NAS OS
Xong. Giờ tới phần cài NAS OS. Nói nôm na nó cũng chỉ là cái Hệ điều hành thôi, như trên máy tính là bạn cài window, linux... vậy.
Mở Synology Assistant để tìm kiếm và bắt đầu cài đặt nha. Khi bạn mở phần mềm lên nó bắt đầu tìm kiếm cái NAS và tự động mở trình duyệt để cấu hình. Các bạn cứ làm theo những bước dưới đây. Mình sẽ chú thích từng bước cụ thể cho các bạn dễ hiểu.
Xong. Vậy là các bạn đã tiến hành cài đặt xong NAS OS cho chiếc NAS yêu quý của mình rồi. Đến đây xem như là đã hoàn thiện phần lắp ráp và cài đặt cơ bản. Phần sau mình sẽ hướng dẫn các bạn cấu hình một số thứ căn bản nữa. Ví dụ: Chia sẻ thư mục cho nhiều máy tính trong mạng LAN, tạo và phân quyền cho từng user, giao thức chia sẻ file đơn giản ftp qua mạng internet, kết nối các thiết bị ngoại vi cho NAS (USB Wifi, Ổ cứng di động...), ứng dụng tải torrent, Và còn rất nhiều thứ đang chờ bạn khám phá.
PHẦN IV: Cấu hình cơ bản.
Ở đây mình sẽ chỉ hướng dẫn những chức năng cơ bản nhất mà mình thường sử dụng. Các bạn có thể tự tìm hiểu thêm. Tuy nhiên các bạn vẫn có thể hỏi ở đây, mình sẽ trợ giúp các bạn hết sức có thể, miễn là trong tầm hiểu biết của mình.
1. Đặt địa chỉ IP tĩnh cho NAS: Theo mặc định thì NAS được cấu hình nhận IP động, tuy nhiên để tiện cho việc mở port, truy cập NAS trong mạng nội bộ, mình khuyên các bạn nên đặt IP tĩnh cho NAS.
Vào Control Panel -> Network -> Chọn thẻ Network Interface -> Chọn LAN1 -> Edit
Cấu hình như sau:
Nhấn OK và đợi một chút để NAS cập nhật IP mới:
Dễ như ăn cháo phải không các bạn . Như mình nói ở trên, nếu bạn không muốn kéo dây mạng lằng nhằng chỉ cần cắm vô ổ điện rồi chiến thôi thì sao nhỉ? Chả sao cả Synology đã hỗ trợ phần lớn driver cho usb wifi. Cụ thể cái usb wifi của mình ở đây là TL-WN722N 150Mbps. Nhanh hơn cả cái card mạng Onboard cùi bắp kia nữa kìa . Mình đã kết nối nó ngay từ đầu. Giờ mình sẽ hướng dẫn các bạn cài đặt và cấu hình để nó nhận wifi.
2. Cài đặt và cấu hình cho usb wifi:
Vào Control Panel -> Wireless
Ở đây có 3 tùy chọn bạn:
Wireless AP: lúc này NAS hoạt động giống như cái Access Point vậy, gắn dây mạng vô rồi phát Wifi. Cái này tiện cho việc phát Wifi mà chỉ có dây mạng.
Wireless Router: lúc này NAS hoạt động như một cái Modem Router Wifi vậy.
Join Wireless Network: Kết nối vô mạng wifi có sẵn. (Đây là tính năng mình cần)
Sau khi chọn đúng tính năng cần thiết, ở đây mình chọn Join Wireless Network, sau đó nhấn Apply.
Chuyển qua tab Wi-fi -> Set up a wireless network
Sau khi đã kết nối thành công. Bạn cũng có thể chỉnh lại từ IP động sang IP tĩnh bằng cách nhấn vào nút Edit và làm tương tự như cấu hình card mạng có dây.
Kết thúc phần cấu hình IP nhé.
3. Thiết lập, phân quyền cho user và chia sẻ thư mục:
Giả sử, trong gia đình bạn có 3 người cần truy cập vào cái NAS này. Bạn là người quản trị, được truy cập vào tất cả các thư mục. user1 chỉ được truy cập vào thư mục user1, giới hạn dung lượng đĩa cho user1 là 60GB. user2 chỉ được truy cập vào thư mục user2 và data, giới hạn dung lượng cho thư mục user2 là 120GB. Các bạn làm như sau:
Vào Control Panel --> Shared Folder --> Create. Tạo lần lượt 3 thư mục user1, user2 và data. Trong hình là do mình đã cài một số ứng dụng nữa nên nó tự động tạo ra một số thư mục khác, cái này bạn không cần quan tâm làm gì.
Sau khi nhấn OK nó hiện ra cái bảng phân quyền cho user, cứ nhấn Cancel để bỏ qua, cái này làm sau. Đã tạo user đâu mà đòi phân quyền chứ . Tiếp đó các bạn tạo tài khoản cho các user và phân quyền truy cập các thư mục cho từng user nhé.
Vào Control Panel --> User --> Create. Tạo lần lượt user1 và user 2.
Phù. Cuối cùng cũng xong phần user1. Ở user2 thì bạn cũng làm tương tự thôi, tuy nhiên phần giới hạn dung lượng bạn chỉ cần chọn 120Gb là xong.
Tới đây là tạm ổn, các bạn thử dùng máy tính truy cập xem sao. Vào Run... gõ \\<ip của nas> /OK. Nếu nó hiện ra như bản yêu cầu đăng nhập là OK. Lúc này bạn đăng nhập bằng tài khoản đã khai báo.
Xong phần cầu hình chia Phân quyền cho user và chia sẻ thư mục.
Cài đặt một số ứng dụng căn bản:
Ở đây NAS đã hỗ trợ một số phần mềm khá hữu dụng cho người dùng trong phần Package Center. Bạn chỉ cần chọn nó và Install thôi. Ở đây mình sẽ hướng dẫn các bạn cài đặt Download Station. Một phần mềm quản lý download trực tiếp vô NAS, hỗ trợ cả download torrent.
Các bạn làm theo như trong hình nhé.
Cái chỗ tạo thư mục thì bạn có thể tự tạo thư mục riêng hoặc cho nó làm thư mục con của thư mục có sẵn cũng được.
PHẦN V: Mở port cho NAS để truy cập được từ xa qua mạng Internet
Dữ liệu quan trọng của bạn được lưu trong NAS, một ngày xấu trời nọ, bạn đi làm mà hoặc không có ở nhà mà muốn lấy dữ liệu từ cais nas yêu quý thì làm sao nhỉ. Chạy về nhà mà chép chứ sao nữa Hoặc là bạn có một bộ phim hoặc một game hay hay muốn chia sẻ cho người khác mà lại không thể tới tận nhà bạn để chép được. Làm sao đây . Tiến hành thôi chứ sao nữa.
Bước 1: Xác định các port cần mở cho NAS.
Ở đây mình chỉ cần mở port 5000 để truy cập nas từ xa. Và port 21 để chia sẻ file theo giao thức FTP, bạn nào có nhu cầu mở port khác thì cứ làm tương tự là được. Yêu cầu bắt buộc: Bạn phải đặt IP tĩnh cho NAS, đặt như thế nào thì mình đã hướng dẫn ở trên rồi. IP NAS của mình là 192.168.0.240
(Có thể bỏ qua): Ở đây mình xin nói thêm một chút cho các bạn học luôn nè: Port là gì?
Trong giao thức TCP và UDP, port là số nguyên 16 bit được chèn vào phần đầu (header) của mỗi gói tin. Chẳng hạn, phía người dùng (client) có thể yêu cầu một máy chủ nào đó trên Internet cung cấp dịch vụ chia sẻ tập tin (file) qua máy chủ FTP. Để đáp ứng yêu cầu này, lớp phần mềm TCP trên máy của bạn phải nhận diện được port số 21 (đăng ký sẵn cho dịch vụ FTP) trong số các port 16 bit số nguyên được ghép theo gói tin yêu cầu của bạn. Tại máy chủ, lớp TCP sẽ đọc port 21 và chuyển tiếp yêu cầu đến máy chủ FTP.
Hay nói cách khác, với một địa chỉ IP, chúng ta chỉ có thể xác định được một máy tính duy nhất trên mạng, tuy nhiên khi một máy tính chạy nhiều dịch vụ khác nhau thì chúng phải được phân biệt bởi khái niệm port. Ví dụ, máy chủ A (Server A) có dịch vụ web, DNS và FTP server, có địa chỉ IP là 210.245.126.14. Các máy tính khác khi muốn đến Server A thì cần đến địa chỉ IP (hay tên miền), nhưng để phân biệt dịch vụ là web, DNS hay FTP, cần xác định thêm port. Chẳng hạn, khi máy B muốn truy nhập dịch vụ web trên server A, trong gói tin gửi đi, IP đích sẽ là 210.245.126.14 và port đích sẽ là 80. Cùng lúc đó có máy C truy nhập đến dịch vụ DNS trên server A thì trong gói tin IP gửi đi, IP đích vẫn là 210.245.126.14 nhưng port đích sẽ là 53. Tương tự, máy D truy cập đến dịch vụ FTP trên server A, IP đích sẽ là 210.245.126.14 và port là 21. Thông thường các ứng dụng thường ẩn các port này để giảm tính phức tạp của giao thức TCP/IP.
Có tất cả 65535 cổng (port) và được chia thành 3 đoạn: Well Known Port (WKP), Registered Port (RP) và Dynamic/Private Port (D/PP). WKP gồm các port từ 0 đến 1023 và được giữ cho các ứng dụng phổ biến như web (port 80), mail (port 25), ftp (port 21)... RP gồm các port từ 1024 đến 49151. Còn D/PP là các port từ 49152 đến 65535. IANA qui định WKP và RP phải được đăng ký với IANA (iana.org) trước khi sử dụng.
Vừa làm vừa học cho vui. Khoe chút kiến thức còm
Tiếp theo: Đăng nhập vào modem để mở port. Cái này thì tuỳ vào modem nhà bạn là loại gì, giao diện có thể khác đôi chút, nhưng về nguyên tắc thì giống nhau thôi. Nếu khó khăn thì có thể hỏi bác gú lè . Hoặc post model của modem nhà bạn lên đây mình sẽ hướng dẫn. Nếu post cả ảnh thì càng tốt. Đây là modem nhà mình.
Làm tương tự cho các port khác nhé
Và đây là kết quả.
Kiểm tra xem các port cần mở đã có thể đi ra internet được được chưa. Các bạn vào trang canyouseeme.org rồi tiến hành check port, nếu báo success là đã thành công. Nếu báo Error thì các bạn kiểm tra cẩn thận lại các bước ở trên.
Đã mở thành công port 5000. Port 21 các bạn cũng thử kiểm tra xem thông chưa nha.
Lỗi nè. Vì mình chưa mở port 22 trong modem mà. Port mình không cần dùng nên không mở. Thêm ví dụ để các bạn biết cách mở port.
Vậy là giờ bạn có thể truy cập vào NAS của mình từ ngoài internet rồi đấy. Bằng cách mở trình duyệt web lên gõ địa chỉ: <ip wan mạng nhà bạn>:5000. hoặc là: ftp://<ip wan nhà bạn>:21. Wao thật là tuyệt vời ông mặt trời phải không nào?.
Hỏi: Tại sao nhà tui mỗi lần cúp điện thì coi cái IP wan nó lại khác lần trước. Nhà ông cũng cúp điện mà IP wan nó không đổi?? Chơi gì kỳ vậy?
Trả lời: Mạng nhà tui xài IP tĩnh, nên có cúp điện hay có gì đi nữa thì nó cũng không đổi. Trước sao sau vậy. Còn mạng nhà ông xài IP động nó đổi là điều đương nhiên, thắc mắc chi lạ rứa hè??
Vấn đề mới phát sinh nè. Thế mỗi lần cúp điện, hoặc khởi động lại modem, rồi cái IP wan của modem nó thay đổi sang một số khác thì sao nhỉ? chạy về nhà để coi lại IP wan à, hày nhờ người ở nhà coi dùm Bất tiện quá mức, đôi khi không thể. Rồi cái số IP wan lằng nhằng đó gì mà 116.110. gì gì đó ai mà nhớ nổi, có cách nào dễ nhớ hơn không nhỉ. Xin thưa là có. Dịch vụ DDNS ra đời là để đáp ứng yêu cầu đó. DDNS là gì thì chịu khó gú lè phát nữa nhá. Khuya rồi, buồn ngủ rồi, nên làm biếng viết lại quá. Mong các bạn thông cảm.
Tiếp theo các bạn đăng ký một tài khoản ddns miễn phí (hoặc bác nào chơi sang thì mua luôn cái có phí) mà nas hỗ trợ. Danh sách các nhà cung cấp dịch vụ ddns miễn phí thì các bạn có thể coi trong phần DDNS của Nas. Ở đây mình dùng NO-IP vì thằng này nó cho miễn phí mà. Các bạn đăng ký một tài khoản, rồi add một cái host vô là được. Cái này nếu bác nào không biết thì chịu khó search nha, trên mạng hướng dẫn nhiều lắm rồi mình không hướng dẫn lại nữa.
Khai báo:
Xong. Các bạn khai báo như trong hình nhé. Sau đó kết nối vô địa chỉ bạn mới tạo từ mạng bên ngoài để tận hưởng thành quả nhé.
Phần VI: Ổ cứng gắn ngoài - External Devices
Vô Control Panel > External Devices > External Devices để xem danh sách thiết bị gắn ngoài đã kết nối vô Synology NAS.
Ổ cứng gắn ngoài
Bằng cách kết nối ổ cứng gắn ngoài vô hệ thống, bạn có thể chia sẻ ổ cứng đó thông qua thư mục chia sẻ do hệ thống tự tạo ra một thư mục chia sẻ ví dụ như là usbshare[number] (dành cho ổ gắn qua cổng USB) hoặc satashare[number] (dành cho ổ cứng gắn qua công eSATA - cái này máy mình không có nhưng máy bạn nào có thì nó sẽ hiện ra thôi). Thư mục chia sẻ sẽ tự động xóa khi tháo ổ cứng gắn ngoài ra khỏi hệ thống.
Synology NAS chấp nhận các định dạng đĩa cứng sau đây: ext3, ext4, FAT, FAT32, exFAT, HFS, HFS Plus, và NTFS. Bất kì ổ đĩa có định dạng khác sẽ được yêu cầu format lại trước khi sử dụng.
Lưu ý nè:
1. Nếu ổ cứng của bạn đang ở định dạng exFAT thì bạn cần cài đặt exFAT Access từ Package Center để NAS hỗ trợ exFAT nhé.
2. Nhớ phải ejected ổ cứng gắn ngoài hoặc Shutdown luôn hệ thống trước khi tháo ổ cứng gắn ngoài ra nhé, không là lỗi ráng chịu á
Định dạng đĩa cứng:
Click Format và làm theo hướng dẫn. Bạn nên định dạng ổ cứng gắn theo định dạng ext4 hoặc FAT32. Nhớ back up lại dữ liệu trước khi format vì dữ liệu sẽ bị xóa trong quá trình format và khó có thể phục hồi lại được. Nên cẩn thận chút nha, có mệnh hệ gì thì mình không gánh nổi đâu
Khi định dạng đĩa ở dạng ext3 hoặc ext4 thì thi gắn vào máy tính chạy windows hoặc Mac thì sẽ không đọc được, vì vậy tốt nhất bạn nên định dạng ở dạng FAT32.
Sau khi format xong thì các NAS sẽ tạo thư mục chia sẻ như mình đã nói ở trên, các bạn có thể truy cập và thao tác như ổ đĩa gắn trong thôi. Chúc thành công.
Lời kết:
Vậy là các bạn đã cài đặt và cấu hình cơ bản cho một con PC là Nas làm NAS rồi đấy. Bài viết tới đây coi như hoàn thành. Mình sẽ cố gắng viết thêm một số ứng dụng nữa mà NAS này hỗ trợ. Các bạn có thể tự nghiên cứu thêm.
Bài viết này chủ yếu dựa trên tinh thần học hỏi là chính, và cũng dành cho những ai muốn trải nghiệm NAS Synology trước khi quyết định mua 1 con NAS Syn thực thụ.
Rất có thể bài viết vẫn còn nhiều chỗ thiếu sót, nên mình sẽ bổ sung sau. Mọi thắc mắc mình sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.
Những ai đã có kinh nghiệm sử dụng con này rồi thì góp ý để mình bổ sung sau. Chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm.
nguồn: https://vn-z.vn/threads/huong-dan-tao-nas-synology-tu-pc-cu.494/
https://www.slideshare.net/laonap166/hng-dn-to-nas-synology-t-pc-c
P/s: update image 22/04/2020
cám ơn anh nhiều,bài viết rất hay và tận tình
ReplyDeleteHiện link ảnh đã die. ai cần thi mở file word trên slideshare ở cuối bài viết down về xem hình nha
ReplyDeleteđã cập nhật lại hình ảnh.
ReplyDelete